Scroll Top
AI CŨNG SẼ TRỞ NÊN TINH NHUỆ

Mỗi thời kỳ lịch sử của con người, chúng ta đề cao các giá trị khác nhau của cuộc sống, để lấy đó làm lý tưởng phấn đấu và làm thước đo giá trị của từng cá nhân. 

Trích trong “Thành phố mang tên Bác: Chợ Bến Thành”(c) Bạch Nam Hải

Ngày nay, chúng ta trân trọng những giá trị nào của cuộc sống? 

  • Thành công trong sự nghiệp.
  • Giàu có về tài chính.
  • Hay các mối quan hệ gia đình, bạn bè … 

có những khi, chúng ta còn chẳng phân biệt được sự đan xen giữa các giá trị trên. 

Chẳng phải vậy sao?

Chúng ta gìn giữ những mối quan hệ có phải vì tư lợi: tiền, địa vị, hay vì sự sợ hãi bị bỏ rơi trong cô đơn, không thuộc về nơi nào hết. 

Phải chăng, do ta trân trọng vì tự các mối quan hệ đó đáng quý và đáng giữ gìn. 

Chúng ta chẳng có đủ thời gian đánh giá và chất vấn bản thân, bởi nếu lỡ chậm một bước, chúng ta lập tức trở thành kẻ đi sau trong cuộc đua khốc liệt này. 

Nhưng việc đi sau đâu có nói lên được điều gì, vì cuối cùng thì ai cũng sẽ về đích. 

Tác phẩm: “Tượng” (c) Bạch Nam Hải

Có phải tất cả những sức ép đó đã được cấy ghép vào não chúng ta hàng giờ, hàng ngày từ truyền thông, giáo dục, xã hội và sách vở. 

Cái “tôi” của xã hội quá lớn, bởi nó được xây dựng từ hàng thế hệ, còn cái “tôi” nhỏ bé của cá nhân, liệu có đủ sức chống chọi. Tôi nghĩ là có.

Chân dung người hướng dẫn viên du lịch Hmong (c) Bạch Nam Hải (Trích trong dự án chưa công bố)

Nhưng thương thay, ý chí đó đã bị dập tắt từ khi mới loé lên trong mỗi con người. Bởi chúng ta không dám nghĩ rằng mình đủ tinh nhuệ và bản lĩnh để tự tạo nên cái lẽ sống của riêng mình. 

Từ trong ý chí, chúng ta tự cho mình là kẻ đã bị khuất phục.

Học giả Yuval Noah Harari cho rằng kiến thức tập hợp của loài người ngày nay vượt xa những gì ta đã có 20’000 năm trước, nhưng ở mức độ mỗi cá nhân, chúng ta lại thua kém hơn nhiều so với con người thời kỳ đó, thua kém về hiểu biết đời sống thường thức, cũng như sự hoạt bát. 

Điều đó cũng được học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần đánh giá tại một trong những ghi chép của ông, rằng con người hiện đại được đào tạo để trở thành chuyên gia, điều đó có khuyết điểm. Tuy các lĩnh vực chuyên môn có được sự sâu sắc, nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ bé so với đời sống hàng ngày. Sự chuyên sâu đó khiến cho ta lãng quên cái gọi là “đời thường”, khiến cho bản năng tự nhiên bị thui chột và làm cho con người hiện đại trở nên phụ thuộc vào cơ giới.

Trích trong “Trại gấu Bình Dương” (c) Bạch Nam Hải

Ngày nay, chúng ta coi sự tiện nghi trong chốc lát là một lẽ thường tình. Đồng nghĩa với việc tự giới hạn khả năng của mỗi cá nhân. Chấp nhận sức ép của công việc và xã hội, coi đó như nghị lực để phấn đấu tới cái đích tối cao là sự thành công trong sự nghiệp. 

Đi qua một cuộc sống tẻ nhạt với nhiều khoảng trống, miễn cưỡng tìm cách lấp đầy bằng sự hào nhoáng hay thỏa mãn thể xác. Còn những kẻ mơ mộng đi tìm lối đi riêng là những kẻ thất bại, sống lạc loài trong xã hội hiện đại. Những ước mơ họ theo đuổi là thứ viển vông và thành tựu họ đang vươn tới là sự viễn tưởng vô bờ bến. 

Chúng ta không thấy được sự dũng cảm và lòng tin vào một thế giới tốt đẹp hơn, chính đó là sức mạnh cho mỗi bước chân trên con đường gai góc họ đã chọn.

 Hãy tin vào bản thân, tin vào những ước mơ và kiên nhẫn với chính mình. Trau dồi thêm vốn sống, rèn luyện tính tinh nhuệ và hãy luôn nhớ rằng ta đủ mạnh mẽ để làm được tốt hơn nữa. Hãy đi học võ, tập thể thao, học thêm về kỹ năng sống như nấu ăn, trồng trọt, … để không trở thành một con người “công nghiệp”, sống chết mòn theo thời gian. 

Hãy yêu người vì người, yêu vật vì vật, chứ đừng vì lợi ích mà yêu thương nhau.

Clear Filters

Kể từ thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, khi kiến thức được phổ biến toàn cầu một cách…