Tôi viết bài này dưới góc nhìn của một nhiếp ảnh gia yêu nghề, cũng là người đồng hành cộng tác với Noirfoto từ những năm đầu tiên; có đóng góp chuyên môn cho một số chương trình triển lãm nhóm do Noirfoto tổ chức, cũng như các triển lãm solo của nhà sáng lập Noirfoto, anh Phạm Tuấn Ngọc. Những gì tôi đã làm có thể được kiểm chứng bởi tất cả nghệ sĩ, giám tuyển từng cộng tác với Noirfoto.
Cùng với sự tôn trọng sâu sắc với anh Ngọc, cũng như Noirfoto, bài viết này là quan sát trong một thời gian dài cùng nhiều đắn đo kiêng nể, nhưng vì một tương lai cởi mở cho nền nhiếp ảnh Việt Nam, tôi mạnh dạn lên tiếng khẳng định Nhiếp ảnh LÀ thủ công và còn hơn thế nữa. Những nhận định do iDesign đăng tải và Noirfoto quảng bá về một thứ “nhiếp ảnh thủ công” huyền bí là những quan điểm mang tính cá nhân sâu sắc và hàm chứa tư duy lợi ích của một nhóm nhỏ. Điều đáng lo hơn là những quan điểm đó đang được cổ xúy, lan truyền, góp phần kìm hãm và dấy lên hoài nghi cho rất nhiều người đam mê nhiếp ảnh tại Việt Nam, tạo tiền đề cho những tư duy lệch lạc và xu hướng thụt lùi trong thực hành nhiếp ảnh trong thời kỳ đương đại (Từ 1950 tới nay). Bài viết này sẽ có những lập luận để khẳng định mệnh đề trên.
Nhiếp ảnh LÀ thủ công
Từ thuở ban sơ của nhiếp ảnh tới nay, nhiếp ảnh luôn yêu cầu tính tỉ mỉ trong việc vận hành thiết bị hay quy trình để tạo ra ảnh. Tính thủ công trong nhiếp ảnh cũng là tính kỹ thuật trong thực hành nhiếp ảnh: làm chủ thiết bị và quy trình tạo ảnh. Ta có thể chia nhiếp ảnh ra thành 2 thời kỳ chính: thời kỳ nhiếp ảnh phim (Analog) và thời kỳ nhiếp ảnh kỹ thuật số (Digital). Song song với tiến trình phát triển của nhiếp ảnh, luôn tồn tại các thủ thuật in ảnh ít phổ biến, gọi là Alternative process.
Trong các quảng bá về “nhiếp ảnh thủ công” lan truyền trên mạng hay qua các triển lãm gần đây của Noirfoto, đỉnh điểm là bài viết Nhiếp ảnh thủ công: Một phương thức sáng tạo nghệ thuật (Phần 1) được đăng tải tại trang web iDesign có đề cập đến một khái niệm lần-đầu-tiên-xuất-hiện-trên-thế-giới, đó là “Nhiếp ảnh thủ công”, iDesign dẫn chứng “Nhiếp ảnh thủ công” như một thể loại nhiếp ảnh trong khi từ đầu đến cuối dẫn dắt người đọc theo hướng ca tụng nhiếp ảnh analog. Một chuyên trang về thiết kế nhưng lại muốn bàn về nhiếp ảnh, sự thiếu hiểu biết thể hiện rõ nét ở 91 chữ mở bài. Toàn bộ dẫn chứng về lịch sử, học thuật về sau cho tới phần 2 đều trở nên vô nghĩa, hoàn toàn chỉ mang tính ám thị người đọc tin tưởng có TỒN TẠI một thứ gọi là “Nhiếp ảnh thủ công”.
Những dẫn dắt của iDesign là sai lệch và mang đến khái niệm sai trái về “nhiếp ảnh thủ công” vì bản chất nhiếp ảnh luôn luôn là thủ công rồi. Có thể họ nhầm lẫn giữa nhiếp ảnh phim, các thủ thuật in ảnh ít phổ biến (alternative process) với cái “nhiếp ảnh thủ công” của họ, nhưng sự nhầm lẫn này khó có thể tha thứ.
Nếu lấy lịch sử nhiếp ảnh với camera obscura làm chủ đạo để phân biệt các thể loại nhiếp ảnh thì alternative process hay các kỹ thuật phòng tối (darkroom) có kết nối gắn liền với ngành-in-ấn, hơn là với ngành-nhiếp-ảnh. Bởi từ xưa tới giờ nhiếp-ảnh-gia rất ít khi trực-tiếp can thiệp tới quá trình xử lý kỹ thuật phòng tối hay in ấn tác phẩm trong phòng lab, mà họ chỉ định hướng sáng tạo với chuyên viên phòng tối/phòng lab mà thôi.
Vì sao “sự nhầm lẫn” trên đáng lên án
Trong thế giới kỹ thuật số, nhiếp ảnh analog vẫn luôn duy trì chỗ đứng riêng, tuy một số quy trình bị giới hạn vì sử dụng hóa chất độc hại với môi trường và sức khỏe con người. Tôi xin đưa ra vài ví dụ để khẳng định vị trí của analog trong thời đại số.
Thực hành lai giữa analog và kỹ thuật số rất phổ biến, có thể thấy 100% số ảnh chụp bằng kỹ thuật analog bạn thấy trên facebook, instagram là một biểu hiện của thực hành nhiếp ảnh lai (Ảnh phim được scan để xuất bản trên môi trường kỹ thuật số). Nhưng đó là hoạt động của số đông cộng đồng, với quy trình nhiếp ảnh lai đã được chuẩn hóa bởi các phòng lab (tráng và scan). Trong giới tinh hoa nhiếp ảnh đang hoạt động tại Việt Nam, ngoài tên tuổi đã dần trở nên quen thuộc như Tom Hricko, chắc ít ai biết tới Olivier Laude, người chụp hình bằng máy 8×10” tại Việt Nam, số hóa các tấm film bằng máy drum scanner tại Mỹ và thực hiện in ấn tại Việt Nam (Phòng in VG-Lab). Tôi đã có cơ hội làm việc trực tiếp với Olivier trong vài tháng và rất ngưỡng mộ tài năng của nhiếp ảnh gia này.
Hiện nay các kỹ thuật in ấn nhiếp ảnh (từ phòng tối, phòng in kỹ thuật số cho tới alternative process) được sử dụng bởi các nghệ sĩ đa phương tiện để sáng tác, mà họ không cần phải là một-nhiếp-ảnh-gia, đương cử tại Việt Nam có nghệ sĩ thị giác như Trần Lê Quỳnh Anh với bộ tác phẩm “23:59” hoặc nghệ sĩ Ly Hoàng Ly trong triển lãm ”Người mơ: Nơi chốn khác, phiến trắng, im lặng hùng tráng’’.
Nói một cách khác, quy trình nhiếp ảnh có thể gói gọn thành 3 bước, không phân biệt là analog hay kỹ thuật số, đó là: 1 – Chụp hình, 2 – Biên tập/chỉnh sửa và 3 – Xuất bản.
Trong 3 bước trên đều có thể chia nhỏ ra thành hàng chục bước nhỏ hơn, mỗi nhiếp ảnh gia đều có thể xây dựng cho mình một quy trình làm việc phù hợp với bản tính và nhu cầu. Và đặc biệt trong hầu hết các bước đó, việc ứng dụng quy trình analog hay kỹ thuật số song song là điều hoàn toàn có thể. Kể cả trong quy trình in ấn kỹ thuật số ngày nay cũng có thể ứng dụng hóa chất để tạo bản in, đó là in Platinum/Palladium hoặc Carbon print, ngày nay là những quy trình phức tạp trong việc kết hợp analog và kỹ thuật số.
Việc tôn vinh “nhiếp ảnh thủ công” như iDesign và Noirfoto đưa ra là việc làm đưa tư duy nhiếp ảnh vào ngõ cụt, bó buộc nhiếp ảnh vào con đường analog và có thiên hướng bài xích kỹ thuật số, là một động thái đi giật lùi trong lịch sử nhiếp ảnh.
Với nhiếp ảnh, ai cũng có thể đạt được trình độ nghệ thuật
Giống như các bộ môn khác trong mỹ thuật truyền thống, khi đã thành tạo kỹ năng và làm chủ quy trình của nhiếp ảnh (làm chủ tính thủ công của nhiếp ảnh), thì người cầm máy có thể dùng chúng để biểu đạt một khái niệm mới, hoặc thể hiện khái niệm cũ theo cách mới riêng của bản thân.
Ai cũng có cơ hội như nhau, dù sử dụng analog, kỹ thuật số hay thực hành lai cả hai. Chỉ cần thật chăm chỉ và luôn bồi dưỡng tâm hồn tri thức, người cầm máy nào cũng có thể trở thành nhà sáng tác. Và tùy vào sự cống hiến của mỗi cá nhân, họ sẽ được giới chuyên môn và khán giả công nhận là nghệ sĩ, và ảnh của họ là những tác phẩm nghệ thuật. Khi đó ta mới thấy tia sáng của nghệ thuật trong nhiếp ảnh.
Xin kết bài bằng trích dẫn lời bác Trịnh Lữ: “Nghệ thuật là lao động điêu luyện”. (phỏng vấn với Matca năm 2018)
Thân ái,