Kể từ thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, khi kiến thức được phổ biến toàn cầu một cách rộng rãi và dễ dàng, từ những kinh nghiệm dân gian cho tới tinh hoa học thuật, lẫn lộn đan xen trở thành một mớ bòng bong rối rem hiểm trở, nó càng trở nên hỗn mang với sự phổ cập của trí tuệ nhân tạo (A.I.). Khi con người chẳng còn tha thiết tin tưởng lẫn nhau, họ chọn tin vào máy móc.
Suy nghĩ đó khiến tôi cảm thấy buồn tủi nhiều hơn là niềm vui. Bởi loài người thường có xu hướng tự hủy hoại, chúng ta không những hủy hoại ngoại vật là thiên nhiên, Trái Đất, mà còn có xu hướng hủy hoại chính bản thân mình. Bởi thế thật khó khăn để tồn tại một cách nhân văn trong thời đại này, chứ chưa kể tới việc sống sao cho xứng đáng với quỹ thời gian được tự nhiên ban tặng. Trong buổi thật-giả lẫn lộn, luân lý hỗn mang, mọi ranh giới dường như bị xóa nhòa, tôi mạn phép xin bàn về công-thức-sống, nó là gì và vì sao nó tồn tại?
Công thức sống là gì?
Từ thuở khai thiên lập địa, muôn loài đều tự biết tìm cho mình một lẽ sống, như loài cá phải bám lấy nước, loài chim phải học cách bay, loài ngựa phải biết chạy. Để rồi mỗi loài đều tìm được lối sống của riêng mình, mỗi cá thể của loài đó đều có cơ hội kinh qua sinh-lão-bệnh-tử cùng với hỉ-nộ-ái-ố. Tất nhiên, loài người là loài duy nhất phân định được những hành vi đó và tổng hợp lại thành những quy luật chung, ta gọi là “lẽ thường” (Common sense).
Lẽ thường tình khi thấy cá biết bơi, chim biết bay và ngựa biết chạy; cũng là lẽ thường tình khi con người sống theo văn hóa và văn minh. Văn minh hay văn hóa là cái nếp sống, nếp tư duy của loài người. Và khó tránh khỏi cái nếp lặp-đi rồi lặp-lại, riết rồi ta có được một thứ tôi xin gọi là “công thức”.
“Công thức” là khi cứ tới ngày sanh thành ta tổ chức sinh nhật (dù chỉ cho riêng mình), công thức cũng là khi “thấy mệt là phải đi bác sĩ” (hoặc chí ít hỏi anh Google xem thuốc gì uống cho vừa lòng nhau).
Người cổ đại muốn tồn tại là phải biết hái lợm, săn bắt và thành thạo các kỹ năng sinh tồn. Đó là công-thức-sống.
Người hiện đại muốn tồn tại phải duy trì học vấn, kiếm công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng và dung dưỡng thế hệ kế thừa.
Vì sao công thức sống tồn tại?
Công thức sống tồn tại vì nó hiệu quả cho phần đông dân số, giúp loài người tiếp tục sự vận hành của xã hội, kiến thiết văn minh và duy trì nòi giống. Nhưng sẽ luôn có những cá nhân ngoài lề, bởi vì sa cơ lỡ vận hay đơn giản họ chọn cách sống của riêng họ, lịch sử gọi họ bằng nhiều cái tên: kỳ nhân, dị sĩ, phù thủy, pháp sư hay đơn giản là kẻ lập dị.
Những cá nhân ngoài-luồng của công-thức-sống-chung không chỉ xuất hiện ở loài người, mà loài nào cũng có nếu ta quan sát kỹ càng.
Công thức sống trong thời kỳ hỗn mang tư tưởng?
Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển giao mạnh mẽ, nó mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến nhiều nguy cơ. Chúng ta tạo ra một bản thể mới dưới dạng kỹ thuật số, đó là loài A.I.
Loài A.I. như là một thách thức con người tạo ra cho chính mình, chúng ta có thể nói loài A.I. có thể giúp con người đạt được nhiều thành tựu hơn trong tương lai: ví dụ trong lĩnh vực y học, loài A.I. có thể giải mã gen một cách dễ dàng khi con người đã gặp nhiều khó khăn. Kết quả để thỏa mãn cái tôi muôn thuở vĩ đại của loài người, và có thể để tìm phương thuốc bất tử như những gì Tần Thủy Hoàng đã dày công khai phá nhưng vẫn thất bại.
Phát triển nhanh như lĩnh vực công nghệ, đó là sự lật lọng của tư tưởng loài người, chúng ta không còn giữ được ý chí kiên cường và tâm thường trụ. Chúng ta đang dần hiểu sai về luân thường đạo lý. Bởi sự hỗn mang của tư tưởng khiến chúng ta xả thân vào lẽ trái và thờ phụng quỷ dữ, nhưng vẫn một mực tin rằng mình thánh thiện. Bởi thật-giả khó phân minh nên ta đã đưa mình vào con đường đầy khổ hạnh cùng niềm vui giả tạo và nhạt nhẽo.
Do vậy công thức sống ngày nay cũng muôn hình vạn trạng, chẳng biết phải tin vào đâu nên người hiện đại có xu hướng nhắm mắt đưa chân về phía trước.
Một trong những công thức sống điển hình ngày nay tại xã hội Việt Nam là: Học tập chăm chỉ, Làm lụng chuyên cần, Dành dụm mua xe, mua nhà, Dựng vợ gả chồng, Sinh con và Xây dựng kinh tế gia đình. Mỗi quyết định lớn nhỏ trong công thức trên đều ảnh hưởng tới tương lai của cá nhân chúng ta, đồng tới tác động lên toàn thể xã hội. Ta có đủ can đảm để thay đổi vận mệnh, lập chí tu thân để xây dựng một tương lai mới cho gia đình và xã hội hay chưa? Hoặc giả ta có đủ tỉnh táo để tạo ra một công thức sống của riêng cá nhân mình?
Mọi bước đi đó cần sự suy xét kỹ lưỡng và chúng luôn chứa đựng đầy rẫy cạm bẫy cùng rủi ro khôn lường, tôi trộm nghĩ một công thức sống trường tồn từ cổ chí kim, là tiền đề của mọi công thức sống, từ trong mỗi cá nhân yêu cầu một niềm tin bất diệt vào chính mình, tính nhân văn: biết yêu thương đồng loại và vạn vật, cuối cùng là tinh thần tích cực để xây dựng hy vọng và những ước mơ.
Để ta sống cho đáng một cuộc đời ngắn ngủi!