Chào thân mến,
Lý luận nhiếp ảnh có lẽ là một phần không thể thiếu trong mỗi bộ ảnh của tôi. Đối với tôi, lý luận nhiếp ảnh là cốt lõi xây dựng phương pháp chụp, định hướng đạo đức hành nghề và là những ghi chép về hành trình tìm ra phương hướng ứng dụng thuật tư tưởng trong thực hành nhiếp ảnh. Thiết nghĩ, tôi nên viết một vài suy nghĩ vụn vặt trong quá trình thực hiện bộ ảnh Cát Nhân Viên Mãn, mong được chia sẻ và chỉ giáo.
Có lẽ người chụp ảnh nào cũng có một tiêu chuẩn riêng để đánh giá tác phẩm nhiếp ảnh. Đó là quá trình trả lời câu hỏi “như thế nào là một bức hình tốt, thế nào là một tác phẩm nhiếp ảnh hoàn thiện?”. Với tôi, có lẽ việc đánh giá một bức hình có thể phân tích thành hai khía cạnh là Hình và Thần:
- Hình: tính thiện nghệ, gu thẩm mỹ.
- Thần: cảm xúc, tư tưởng và nội dung muốn truyền đạt
Nhân dịp ra mắt bộ ảnh mới, tôi có thêm cái cớ để bàn về chủ đề này.
Về bản chất, Cát Nhân Viên Mãn là chuỗi những hình ảnh tư liệu truyền thống, mang tính ghi chép, lưu niệm thuần túy.
Thêm vào đó, bộ ảnh Cát Nhân Viên Mãn nằm giữa ranh giới ảnh bộ và ảnh đơn. Nói là ảnh bộ, vì chúng được chụp trong cùng một thứ tâm trạng đặc biệt. Nói là ảnh đơn, bởi mỗi bức hình thể hiện những cái tôi trong các giai đoạn khác nhau, được chụp trong bối cảnh ít có liên quan tới nhau.
Bản thân tôi là một nhiếp ảnh gia tư liệu, sử dụng chất liệu chủ yếu là đời sống hàng ngày. Để đưa các tác phẩm tới người xem, tôi luôn tìm cách dẫn dắt theo một cốt truyện cụ thể. Thường thì, đó là những câu chuyện đời người và xã hội. Nhưng với Cát Nhân Viên Mãn, tôi chọn kể một câu chuyện xuất phát trong nội tâm, một câu chuyện cá nhân. Chính vì thế bộ ảnh này có cấu trúc hoàn toàn khác với những bộ ảnh tôi đã thực hiện trước đây.
Việc ra mắt Cát Nhân Viên Mãn cũng là cơ hội để tôi tổng kết lại quá trình rèn luyện cả trong nhiếp ảnh lẫn trong tư tưởng của 7 năm qua (Từ ngày được học tập trong môi trường nhiếp ảnh quốc tế). Tôi nghĩ mình đã phá bỏ được phong cách chụp mà tôi từng coi là dấu ấn riêng của mình. Trong thời gian từ 2013-2016, tôi từng quan niệm rằng nhiếp ảnh gia cần một phong cách đặc thù, để khi nhìn ảnh, người xem có thể đoán được đó là ai. Từ 2016 trở lại đây, tôi lại cảm thấy mình nên làm điều ngược lại. Ngày nay, tôi hướng tới phát triển tay nghề biến hoá vô thường, chứ không muốn bị rơi vào hành trình làm nhái chính bản thân. Tuy vậy, trọng tâm vẫn là việc kể chuyện bằng ảnh tư liệu.
Do đó, mặc dù với một tình yêu lớn với nhiếp ảnh, tôi lại cố tình rời xa nó. Tôi rời xa cuộc đua vũ trang cùng với đam mê thiết bị, tôi bớt xem ảnh lại, gần như bỏ lại thế giới nhiếp ảnh ở sau lưng. Tôi tìm cảm hứng trong văn học Việt Nam và bộ môn triết học, đặc biệt là triết học phương Đông (Hay còn gọi là Đông Phương Đạo Học). Tôi lấy đó làm nguồn cảm hứng của mình, và dường như nguồn cảm hứng ấy càng ngày càng trở nên vô tận. Tuy nhiên, tôi chụp ảnh không ít đi chút nào.
Trong quá trình đó, tôi định hình được một tiêu chuẩn phê bình ảnh dựa trên Hình và Thần của một tấm ảnh.
Trong cái hình, thể hiện tính thiện nghệ của người chụp, khả năng tạo hình cũng như gu thẩm mỹ.
Để đạt được cái hình toàn vẹn thì người chụp phải có kỹ thuật điêu luyện, cụ thể là điêu luyện trong kỹ thuật máy móc và những công thức tạo hình, tạo bố cục. Tất cả phải thật nhuần nhuyễn và được thực hiện một cách tự nhiên và gọn gàng hết mực.
Trong cái thần, là khi ta đọc nội dung tác phẩm, bao gồm tư tưởng và mức độ truyền tải cảm xúc. Để đạt được điều này, ngoài việc thao tác máy móc và tư duy tạo hình phải tự nhiên, thêm vào đó là kỹ năng hình dung khung hình bằng mắt thường thay vì phải ngắm qua ống kính. Bởi việc quan sát bằng mắt thường có lẽ là cách tốt nhất để đưa tâm hồn hòa nhập vào không gian, khi cần, chỉ việc nhấc máy lên chụp vài pô là ưng ý. Như vậy cái cảm xúc mới được truyền tải trọn vẹn, giảm bớt hao phí trong quá trình mắt thấy – tâm cảm – bấm máy*.
Đó là do tư duy kỹ thuật không còn hiện hữu.
Từ đó, tác phẩm có thêm chiều sâu.
Nhiếp ảnh, là một cuộc chơi tốn kém, nhưng để gắn bó với nó, thực sự chẳng tốn kém chút nào, bởi cuối cùng “Chiếc máy ảnh tốt nhất là chiếc máy ở bên bạn” (Chase Jarvis). Tôi đang xây dựng con đường của mình trên hành trình phát triển nhiếp ảnh tư liệu của bản thân. Đánh giá tác phẩm nhiếp ảnh dựa vào Hình và Thần là một trong nhiều thuật tư tưởng tôi đang áp dụng vào việc chụp hình của mình. Và có lẽ, Cát Nhân Viên Mãn là bộ ảnh đầu tiên, như là một cái lễ, dâng tới khán giả Việt Nam, hy vọng được nghe ý kiến phản hồi.
*Tìm hiểu thêm về quá trình Mắt Thấy – Tâm Cảm – Bấm Máy, xin được mượn câu truyện nói về Trịnh Bản Kiều (郑思肖) khi ông bàn về việc vẽ trúc có chia sẻ như sau: “Quán sông thu xanh, sáng ngắm trúc giữa khói sương và nắng, nghe sức sống tươi mát chảy tràn qua cành lá, chợt lòng đầy ý hoạ. Mà thực trúc trong lòng đó không phải là trúc trước mắt, nên hạ bút mực trên giấy thành trúc trong tay, cũng không phải là trúc ở trong lòng.” Tóm lại từ ý định muốn hoạ trúc đến khi hoạ xong là một quá trình: khởi nguồn từ hình ảnh tự nhiên của cây trúc trước mắt, làm gợi nên cảm hứng và cảm xúc dồi dào về cây trúc trong lòng, rồi qua bút mực hay chính kỹ thuật sáng tạo của người cầm bút mới tạo thành cây trúc ở trong tay – tức là bức hoạ. Sự biến chuyển này chính là điều thú vị khi vẽ tranh. Đương thời, tranh trúc của Trịnh Bản Kiều đã được các học giả tán dương hết mực, trở thành bảo bối tranh giành giữa các nhà sưu tầm. Hiện nay tranh của ông rất nổi tiếng và được lưu giữ tại nhiều nơi trên thế giới.