Scroll Top
Trở thành một nhiếp ảnh gia tư liệu

Óc tân kỳ, tính khách quan và sự khổ luyện

Chào các bạn! Hôm nay tôi xin mạo muội chia sẻ một số bài học tôi đã chiêm nghiệm được trong thời gian học và thực hành bộ môn nhiếp ảnh tư liệu (Documentary photography). Chủ đề được bàn trong chuỗi bài viết này là về những phẩm chất cơ bản cần có của một nhiếp ảnh gia tư liệu. 

Một đề tài rất lớn, nên nếu có thiếu sót thì xin bạn đọc đóng góp thêm. 

Trong chuỗi bài viết này tôi sẽ viết thiên về phần tư tưởng chứ không tập trung vào kỹ thuật hay máy móc. 

 Tôi xin chia bài viết ra làm 3 phần có nội dung tóm tắt như sau:

  • Phần 1: Định nghĩa nhiếp ảnh tư liệu, giới thiệu tóm tắt về những phẩm chất cơ bản cần có của một nhiếp ảnh gia tư liệu: Óc tân kỳ, tính khách quan sự khổ luyện. Luận bàn về óc tân kỳ.
  • Phần 2: Luận bàn về tính khách quan.
  • Phần 3: Luận bàn về sự khổ luyện.
Ảnh tư liệu đường phố. Chụp bằng điện thoại Motorola. Chụp tại tpHCM, Việt Nam.

Định nghĩa về nhiếp ảnh tư liệu

 

 Đối với tôi, nhiếp ảnh tư liệu là việc chụp một bộ ảnh để kể một câu chuyện, mà câu chuyện ở đây, xin chia làm 2 loại:

  • Câu chuyện xảy ra theo trình tự thời gian, diễn biến một sự kiện. 
  • Câu chuyện có mang chung một chủ đề cố định xuyên suốt bộ ảnh. Không bị giới hạn bởi trình tự thời gian.

 Nhiếp ảnh tư liệu không chỉ quan trọng ở việc chụp hình, mà việc biên tập ảnh viết lời tựa cho bộ ảnh/từng bức ảnh cũng quan trọng tương đương. Người xem có thể hiểu được câu chuyện mà nhiếp ảnh gia muốn kể hay không, phụ thuộc rất sâu sắc vào 3 bước kể trên. Thời lượng thực hiện một bộ ảnh tư liệu ngắn cũng phải kéo dài vài ngày, dài có thể lên tới vài thập kỷ.

 
 Nói tóm lại, nhiếp ảnh tư liệu là kể lại một câu chuyện theo cách mà nhiếp ảnh gia hiểu về câu chuyện đó.
 

 Nhiếp ảnh tư liệu được coi là nhiếp ảnh chính thống vì nó thể hiện đúng cái vai trò của nhiếp ảnh đối với nhân loại: Lưu trữ và bảo tồn lịch sử. Tôi xin được phép so sánh một nhiếp ảnh gia tư liệu với một nhà chép sử. Vì nếu được như vậy, nhiếp ảnh tư liệu sẽ phải có những nguyên tắc nhất định và người chụp ảnh phải có, những phẩm chất khiến anh ta/chị ấy trở nên quân bình như một nhà chép sử thực thụ.

 Trong các phẩm chất cần có, tôi xin được luận bàn về 3 phẩm chất tôi cho là cơ bản như sau:

Tĩnh vật trong ảnh tư liệu đường phố. Chụp bởi Fujifilm Xpro2 tại Bangkok, Thái Lan. Năm 2017.
  1. Óc tân kỳ:
  • Định nghĩa
  • Áp dụng
  • Phương pháp luyện tập
  1. Tính khách quan:
  • Định nghĩa 
  • Kiểm soát cảm xúc
  • Thuật ám thị là gì? Sử dụng thuật ám thị sao cho đúng đắn
  • Phương pháp luyện tập
  1. Sự khổ luyện:
  • Kỹ thuật
  • Tư tưởng 
  • Phát triển
  • Vượt qua thói quen

Phần 1: Óc tân kỳ (Originality)

Ảnh chân dung mang tính tư liệu. Chụp bằng Fujifilm Xpro2, tại Úc. Năm 2016.

Định nghĩa

 Óc tân kỳ là gì? Để định nghĩa về “óc tân kỳ” có lẽ tôi xin mượn lời cụ Thu Giang: 

Người có óc tân kỳ, không bao giờ chịu suy nghĩ theo ai, và cũng không chịu hành động theo ai. Nghĩa là bất kỳ trong công việc gì của mình làm đều có lộ ra cái bản sắc của mình trong đó, chớ không phải lối bắt chước như cái máy. Người có óc tân kỳ, vụ lấy sự tận thiện tận mỹ chứ không vụ lấy sự mới lạ; họ không phải là kẻ chỉ có óc hiếu kỳ, ham lập dị, hay bày vẽ cầu kỳ. Óc tân kỳ là một trong những điều kiện giúp cho trí tưởng tượng được dồi dào linh động. Nó giúp cho tinh thần được “tha hồ bay nhảy vào những miền u ẩn của tạo hoá”.

(Cụ Thu Giang, 1952)

Áp dụng

 Giống như những bộ môn nghệ thuật khác, nhiếp ảnh chỉ là một công cụ để khám phá, phát triển và thể hiện cái tôi của mỗi cá thể. Do đó việc trau dồi, làm phong phú cái bản ngã của mỗi chúng ta là rất quan trọng. Mà để chạm được tới cái tôi sâu thẳm bên trong mỗi con người, thì ta càng phải lắng nghe bản thân nhiều hơn. 

 

 Ví như việc chọn chủ đề sáng tác, có thể ta chọn một chủ đề đã được thực hiện rất nhiều lần. Người có óc tân kỳ sẽ thực hiện chủ đề đó theo cách riêng của họ, chứ không bị vướng vào lối mòn tư duy cũ. Chỉ cần trong sâu thẳm, họ thấy rằng chủ đề đó họ thực sự quan tâm và mong muốn hoàn thành nó.

 

 Thêm một ví dụ nữa, khi ta học một phương pháp hay kỹ thuật nhiếp ảnh từ một bậc tiền bối, lão làng mà ta ưa thích. Người có óc tân kỳ sẽ không những cố gắng học cho thành công cái phương pháp/kỹ thuật đó. Họ sẽ còn phát triển nó thêm nữa cho phù hợp với cái sở thích, điều kiện làm việc của bản thân. Kết quả là họ đã phát triển được một phương pháp/kỹ thuật mà chỉ riêng họ mới thực hành.

Phương pháp rèn luyện

 Nói chung, muốn có được óc tân kỳ, ta cần phải:

  • Giảm thiểu những công việc mang tính lặp lại, những công việc đó ít khi phải dùng tới sự suy nghĩ. Như vậy đầu óc sẽ không bị ù lỳ, thụ động.
  • Coi chừng những thị phi từ xã hội, ám thị từ bên ngoài (xem thêm về Thuật ám thị ở phần sau).
  • Kiểm tra những hành động, tư duy của bản thân liệu có phải là làm theo tập quán, thói quen hay theo hoàn cảnh chung quanh mình, sách vở, tôn giáo hay hội nhóm mà mình đang tham gia.
  • Nghĩ tới sự tinh vi hơn là tư lợi. Nếu vì tư lợi mà tìm tòi khám phá, thì sẽ không thoát khỏi khuôn khổ, nguyên tắc được. Ví như trong nhiếp ảnh, nhiều người tham gia nhiếp ảnh chỉ vì danh vọng, tiền bạc hoặc thậm chí là sắc dục. Đó là những tư lợi sẽ giết chết đam mê. Hãy hướng tới việc hoàn thiện bản thân trong nhiếp ảnh, tư lợi xin hãy để ra sau. Xét như việc Steve Jobs muốn sáng tạo ra những sản phẩm mang tính tiên phong, cách mạng trong ngành công nghệ, chứ không phải đơn giản chỉ vì tiền, cho nên Apple mới có vị trí như ngày hôm nay – bạn có đồng ý chứ?
 

Trong nhiếp ảnh tư liệu, ta cần phải:

  • Cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định theo đuổi một chủ đề: Ta theo đuổi nó vì nó đang là chủ đề hot, hay ta theo đuổi nó vì ta thực sự có lòng quan tâm và tình thương với nó. Vì nếu không thương, không thích thì không thể có cảm xúc sâu sắc được. Nếu cố làm thì cũng sẽ chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, thực hiện một cách nửa vời. Tất cả những điều đó sẽ thể hiện ra trong bộ ảnh của mình.
  • Bắt chước từ phong cách, kỹ thuật, chủ đề chụp đều không phải là điều xấu, nhưng phải tìm cách “biến của người thành của mình” – luôn luôn phải tìm cách cá nhân hoá những điều mình học được. Như Picasso từng nói “Nghệ sỹ tốt bắt chước, nghệ sỹ vĩ đại ăn cắp” (Good artists copy, great artists steal).
 

 Thật vậy, con người ai ai cũng nên rèn luyện cách tư duy của óc tân kỳ, đặc biệt là những người làm công việc sáng tạo. Trong nhiếp ảnh cũng vậy, óc tân kỳ giúp cho con người ta sáng tạo ra những điều mới từ những cái cũ. Nhiếp ảnh tư liệu là một con đường dài, nếu từ đầu, ta không cố làm chính ta, khéo trên con đường đó, ta đã vô tình đánh rơi bản ngã từ lúc nào mà không hay.

Tham khảo:
  • Thu Giang Nguyễn Duy Cần. 1952 (tái bản 2014). Óc Sáng Suốt. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản trẻ.
 

Phần 2: Tính khách quan

Chân dung động vật trong ảnh tư liệu. Chụp bằng Fujiflm Xpro2, tại Sapa, Việt Nam. Năm 2017.

 Để bắt đầu phần 2 này, tôi xin được kể nội dung tóm tắt của một bộ phim kinh điển của Nhật Bản mang tên “Lã Sinh Môn (Rashōmon)” như sau:  

 Tại ngôi đền đổ nát Rashōmon dưới trời mưa dữ dội, một người tiều phu và một vị sư lần lượt kể lại cho người khách trú mưa cùng họ vụ án tàn bạo mà hai người được chứng kiến và làm nhân chứng. Theo lời người tiều phu, trong lúc kiểm củi ông ta tình cờ phát hiện được thi thể một samurai bị giết chết bằng kiếm, bên cạnh là vài dấu vết của một phụ nữ, người tiều phu quá hoảng sợ trước khung cảnh tội ác và lập tức đi báo quan về vụ án. Còn theo nhà sư thì ông ta đã thấy samurai và người phụ nữ đi cùng nhau vào ngày xảy ra vụ án mạng. Tình cờ khi hai người báo án thì một tên cướp khét tiếng là Tajōmaru cũng bị bắt. Theo lời tên này thì chính hắn đã lừa người samurai vào rừng rồi trói lại hòng cưỡng đoạt vợ ông ta. Tajōmaru thừa nhận chính hắn sau đó đã giết viên samurai nhưng là theo lời đề nghị của người phụ nữ. Trái ngược hoàn toàn với lời kể của Tajōmaru, vợ người samurai lại thừa nhận rằng chính cô là người đã giết chồng vì quá sợ hãi trước ánh mắt lạnh lùng của chồng nhìn mình sau vụ cưỡng bức. Bản thân nạn nhân cũng hiện hồn qua bà đồng cốt để nói rằng chính ông ta đã tự tử vì quá đau khổ sau khi nghe thấy vợ mình gợi ý cho Tajōmaru giết chồng để đi theo gã kẻ cướp.

 

 Cùng một vụ án mạng, nhưng mỗi người lại kể lại một câu chuyện khác nhau. Nhưng đâu mới là điều thực sự đã xảy ra?! 

Định nghĩa tính khách quan

 Nói tới khách quan mà không nói tới chủ quan thì quả là thiếu sót. Vậy, chủ quan là gì và khách quan là gì? Hai từ đó ta thường được nghe rất nhiều nhưng ta có thực sự hiểu được nó hay chưa.

 

 Khi ta nhận xét/phán đoán một sự vật/hiện tượng về giá trị của nó thì gọi là chủ quan. Còn khi ta nhận xét/phán đoán một sự vật/hiện tượng theo cái sự thực của nó thì gọi là khách quan (Thu Giang, 1940). Ví dụ như khi ta nói về một món đồ nội thất, một đánh giá chủ quan sẽ là “Món đồ này thật hữu dụng, đẹp mắt” – còn đánh giá khách quan sẽ chỉ là “Món đồ này làm bằng gỗ, màu nâu”. Khi ta đánh giá một cách chủ quan, ta đã đưa cái cảm xúc của bản thân mình vào. Đối với ta nó hữu dụng, đẹp mắt, nhưng đối với người khác sẽ ra sao thì ta không chắc chắn được. Còn đánh giá khách quan chỉ nói tới sự thật mà thôi, cái sự thật mà không cần phải bàn cãi.

Kiểm soát cảm xúc

 Trong nhiếp ảnh tư liệu, tính khách quan là yếu tố cực kỳ quan trọng cho bộ ảnh. Nó quan trọng trong việc ta tiếp cận với câu chuyện, ta chụp câu chuyện, ta biên tập và giải nghĩa câu chuyện. Quy mô, nội dung càng phức tạp/nhạy cảm thì yêu cầu về tính khách quan càng cao. Bởi lẽ con người luôn có tính thiên vị, mà nhiếp ảnh gia thì cũng chỉ là người thường mà thôi.

 Nhất là khi ta kể một câu chuyện bằng nhiếp ảnh, dù muốn hay không, ta sẽ phải sống cùng câu chuyện đó. Do vậy, việc có cảm xúc là điều khó tránh khỏi, nhưng thêm bớt, thể hiện ra sao thì phải được cân nhắc thật kỹ càng. Đừng như anh chàng nọ, một nhiếp ảnh gia tài năng, tới một ngày anh ta đăng một ảnh khá nhạy cảm lên mạng cùng với một dòng chú thích có xen chút cảm xúc cá nhân. Điều anh ấy nhận được là một luồng sóng phiền phức không đáng có từ dư luận.  

 Hãy nhìn nhận câu chuyện một cách khách quan, nhìn nhận và diễn đạt nó theo đúng cái sự thật vốn có của nó. Việc đánh giá hãy để dành cho khán giả.

 Việc này khó lắm, theo kinh nghiệm bản thân, có khi chụp những bộ ảnh khiến cảm xúc của tôi như bị đè nén. Có những lúc tôi còn mất tự chủ, cảm xúc như muốn tự bùng nổ. Nhưng có lẽ phải như vậy thì tinh thần mình mới đc rèn giũa cứng rắn hơn. Quan trọng không kém, là nếu cảm thấy quá căng thẳng, hãy nghỉ ngơi 1 thời gian, chụp những điều nhẹ nhàng, giản dị hơn, để giúp tinh thần trở về trạng thái khoẻ mạnh.

 

Thuật ám thị

 Thuật ám thị là phương pháp mê hoặc con người ta tin vào một điều mà không cần đến kiểm chứng, lý luận. 

 

 Về cơ bản tất cả những phương tiện truyền thông trên đời này đều sử dụng thuật ám thị. Như khi xem chương trình truyền hình, người xem nhận được thông tin một cách thụ động, mà không cần kiểm chứng lại, không cần lý lẽ thuyết phục gì thêm. Nhưng hầu hết ai ai cũng tin vào thông tin mình vừa được nhận mà đôi khi không mảy may nghi ngờ. Ở mức tệ hại nhất, như khi thuật ám thị được sử dụng trong quảng cáo, khi một thông tin không đúng với sự thật, chỉ cần lặp đi lặp lại đủ lâu, người ta sẽ chấp nhận đó là chân lý. Do đó, thuật ám thị còn có tên gọi khác là “thuật nhồi sọ”.

 Điều đáng sợ ở đây tôi muốn đề cập đến đó là: nhiếp ảnh cũng là một bộ môn sử dụng ít nhiều thuật ám thị, dù bạn có muốn hay không, dù bạn có vô tình hay hữu ý.

 Vậy xin nhấn mạnh thêm một lần nữa, rằng tính khách quan cực kỳ quan trọng trong nhiếp ảnh tư liệu. Đừng vội đánh giá dựa theo suy nghĩ chủ quan, để rồi không những ta đi vào con đường lầm lạc, mà cả người xem ảnh của ta cũng bị rơi vào một câu chuyện hoang đường/sai sự thật. 

Phương pháp luyện tập

 Nói về phương pháp luyện tập, chắc phải kể đến câu chuyện của một trong những người thầy của tôi là nhiếp ảnh gia Michael Coyne – nhiếp ảnh gia tư liệu nổi tiếng của Úc. 

 

 Michael là một người rất có chính kiến, ông luôn nói lên ý kiến của mình và không ngại tranh luận. Nhưng mỗi khi ông làm việc, ông chỉ lắng nghe, ngậm miệng, quan sát và chụp ảnh. Ông không bình phẩm, nhận xét về bất kì điều gì, dù nó trái ngược hẳn với niềm tin của ông. Ông sống trong câu chuyện nhưng lại không ở trong câu chuyện đó. Đấy là công đoạn khó nhất trong nhiếp ảnh tư liệu: tiếp cận câu chuyện và chụp hình, còn về biên tập và viết lời tựa thì phải đi học và thực hành, tuỳ thuộc vào từng cá nhân/bộ ảnh, chứ diễn giải một vài dòng ở đây chắc không thể bao quát được hết.

 
Tham khảo:
  • Thu Giang Nguyễn Duy Cần. 1940 (tái bản 2014). Thuật Tư Tưởng. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản trẻ.
 

Phần 3: Sự khổ luyện

Ảnh chân dung trong một bộ ảnh tư liệu. Chụp bởi Fujifilm Xpro2 tại Nimbin, NSW, Úc. Năm 2016.
 

 Tại sao lại phải khổ khi chụp ảnh là một thú vui, nếu khổ thì còn gì là vui vẻ nữa!?!?

 

 Đúng và sai.

 

 Đúng, nếu bạn coi nhiếp ảnh là một thú vui, hãy để nó cứ nhẹ nhàng, tự nhiên và giản dị. 

 Sai, nếu bạn coi nhiếp ảnh là cái nghề. Cái nghề là cái nghiệp, phải có sướng có khổ, phải rèn luyện một cách nghiêm túc.  

 Phần cuối của chuỗi bài luận này tôi xin chia sẻ một số phương pháp luyện tập để trở nên thành thạo bộ môn nhiếp ảnh nói chung, và nhiếp ảnh tư liệu nói riêng.

 Về mặt kỹ thuật

 Nói về mặt kỹ thuật thì ta phải luận bàn 2 khía cạnh: thứ nhất là mặt khoa học của nhiếp ảnh, thứ hai là mặt kỹ năng của nhiếp ảnh.

 Về mặt khoa học của nhiếp ảnh, đó là cách sử dụng máy, sự hiểu của bạn về tốc độ, khẩu độ, ISO, cân bằng trắng của các thiết bị bạn đang sử dụng đã tốt chưa. Bạn có thể thay đổi các thông số của máy ảnh mà không cần nhìn vào máy chưa. Theo kinh nghiệm, tôi thấy rằng việc học sử dụng máy ảnh film khổ lớn rất hữu ích cho bản thân để hiểu thêm về nguyên lý vận hành của máy ảnh. 

 Một cách nữa, đó là tập chỉnh các thông số của máy ảnh trong bóng tối, không nhìn vào máy ảnh, tập nhẩm bước đổi của các nút vặn, học thuộc lòng các chức năng của các nút bấm. Khi sử dụng thành thục rồi, ta sẽ có thời gian nhiều hơn cho việc chụp ảnh, hơn là suy nghĩ về cách điều chỉnh máy móc.

 

 Về mặt kỹ năng, đó là các phương pháp chụp khác nhau, ví dụ: chụp phơi sáng, chụp lia máy (panning), chụp không cần ngắm, sử dụng thành thạo một vài tiêu cự, học chụp lấy nét bằng tay sao cho nhanh hơn lấy nét tự động … tôi nghĩ nếu là người mới tập tành nhiếp ảnh, bạn nên tập từng kỹ năng một, để xem mình phù hợp với kỹ năng nào rồi chuyên tậm thực hành thật nhiều. Đối với tôi, thời gian chụp ảnh phố là lúc tôi rèn luyện, có 3 kỹ năng mà tôi nghĩ rất quan trọng cho nhiếp ảnh tư liệu:

  1. Thành thạo sử dụng 3 tiêu cự: 28mm, 35mm, 50mm. Khi mà nhãn quang của mình sử dụng thành thạo một tiêu cự nào đó, ta sẽ biết mình nên đứng ở khoảng cách nào để được khung hình ưng ý. Khi đó ta không phải giữ chiếc máy ảnh trên mắt mình, ngắm đi ngắm lại, gợi lên sự hiếu kỳ không cần thiết của những người xung quanh, bỏ lỡ những khoảnh khắc tự nhiên.
  2. Thành thạo lấy nét bằng tay. Thật vậy việc lấy nét bằng tay khiến việc chụp ảnh tư liệu trở nên nhanh gấp nhiều lần. Lý do là khi tắt chế độ lấy nét tự động, thiết bị khỏi phải lo vấn đề lấy nét, máy sẽ hoạt động nhanh hơn. Tất nhiên, thường thì tôi chụp với DOF rất lớn, khi đó thì sẽ bớt phải lo chủ thể mình muốn chụp có nét hay là không.
  3. Đi bộ khoẻ. Đi bộ dai sức mang theo thiết bị là rất quan trọng, cái này thì khỏi phải bàn nhiều vì sự quan trọng của nó, và sức khoẻ thì chỉ có tập luyện thể dục/thể thao mới đạt được. 

 Về mặt tư tưởng

Your photograph is your ideology – Ảnh của bạn là hệ tư tưởng của bạn 

(Sebastiao Salgado)

 

 Vậy tư tưởng là gì?

 Tư tưởng là một từ rất khó để định nghĩa, tư tưởng là những điều ta cảm thấy được ở ngoài sự nhận thức của các giác quan. Trong bài viết này, từ nay và về sau, tôi xin được định nghĩa tư tưởng như sau:

 

  • Tư tưởng là những gì bạn đặt niềm tin vào, là những gì trí tuệ của bạn đã trau dồi và học hỏi, ảnh hưởng bởi giáo dục, xã hội và văn hoá. Tư tưởng đôi khi cũng là cái mà bạn mong muốn, hy vọng tới. 
 

 Vậy khi bạn chụp ảnh, những gì bạn chụp lại thể hiện cái tư tưởng và con người của bạn. Như vậy, nếu muốn ảnh của mình có chiều sâu về nội dung thì ta phải rèn luyện tư tưởng. Đối với tôi, có hai cách rèn luyện hay nhất là: 

  • Học thêm về những lĩnh vực khác ngoài nhiếp ảnh mà mình ưa thích (Văn học, xã hội học, chính trị, triết học, mỹ thuật …).
  • Nên dành thời gian để tự chiêm nghiệm về cuộc đời, suy nghĩ nhiều hơn về những hành động, sự vật, sự việc diễn ra trong tâm trí và xung quanh mình. 

Có được một tâm hồn chững chạc hơn, thì từ đó ảnh của mình cũng mới trở nên mặn mà hơn được.

Phát triển

 Có được kỹ thuật và tư tưởng, nhưng đừng nghĩ tới việc dừng phát triển. Muốn được phát triển hơn thì phải có động lực. Mà động lực mỗi thời kỳ sẽ một khác, thời kỳ đầu tiên có thể động lực sẽ là chinh phục được những thiết bị mình sở hữu, thời kỳ tiếp theo có thể là chinh phục được những chủ đề mình yêu thích. Cứ thế mình phải tìm ra những yếu tố khiến bản thân ham tìm tòi và khám phá thêm. Ung dung đứng một chỗ, thực ra là đi lùi mà mình lại không hay. Đối với tôi, một trong những điều tôi thường dặn bản thân là phải tìm cách vượt qua chính mình của lần chụp ảnh trước. 

 

Tri nhân giả trí, tự tri giả minh. Thắng nhân giả lực, tự thắng giả cường.

(Kẻ biết người là người khôn, kẻ tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh, thắng được mình là kiên cường.)

 

Lão Tử (Đạo Đức Kinh)

 

Ảnh chân dung trong một bộ ảnh tư liệu. Chụp bởi Fujiflm Xpro2 tại Sa Pa, Việt Nam. Năm 2017.

Vượt qua thói quen

 

  Có lẽ đây mới là phần thực sự khiến cho ta phải khổ. Vì khi luyện những kỹ năng, tư tưởng thành thục rồi, thì nó sẽ trở thành một thói quen. Mà than ôi, thói quen là cái thứ khó mà bỏ được. Quá trình này như việc học thành rồi mà lại phải quên đi, để quên rồi lại phải học lại. 

  Giống như thầy tôi nói với tôi trước khi tôi tốt nghiệp, rằng: “Danny à, nếu em muốn có được những khung hình tốt hơn, có lẽ em sẽ phải trải qua một giai đoạn khiến em phát điên lên đấy. Đó là điều khó khăn, nhưng em phải cố gắng làm cho bằng được”. 

   Như vậy đó, điều khó khăn nhất lại là điều chẳng ai chỉ dậy được, chỉ có mình mới tự vượt qua được. Lời thầy dạy cũng là lời kết cho chuỗi bài luận về phẩm chất để trở thành một nhiếp ảnh gia tư liệu của tôi. Con đường chiêm nghiệm, học hành còn dài lắm. Xin được chia sẻ với bạn bè gần xa vậy thôi, để ta cùng học lẫn nhau.

 

 Xin chân thành cảm ơn,

 

 DannyB

 

Ủng hộ tác giả

Nếu bạn thấy thông tin trong bài viết hữu ích, hay bạn có ý thích bất kỳ bức ảnh nào trong blog này. Bạn có thể ủng hộ tác giả bằng cách liên hệ mua ảnh.

error: Content is protected !!